Đóng

0913.72.72.72

Thứ 2 - thứ 6 8:00 - 20:00

Khám phá du lịch Cao Bằng

27/03/2020

KHÁM PHÁ DU LỊCH CAO BẰNG

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo chiều Bắc – Nam 80 km (từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đến xã Quang Trọng, huyện Thạch An). Theo chiều Đông – Tây 170 km (từ xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đến xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm). Non nước Cao Bằng đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc. Từ khi thành lập tỉnh đến nay đã trả qua những giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển mang dấu ấn sâu sắc. Và bây giờ chúng ta hãy cùng nhau khám phá du lịch Cao Bằng qua bài viết này nhé!

Nên đi du lịch Cao Bằng vào thời gian nào?
Khí hậu Cao Bằng chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô khéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Nếu các bạn có ý định du lịch thác Bản Giốc thì nên đi vào khoảng tháng 8-9, lúc này thác nhiều nước sẽ rất đẹp.
Nếu thích đi Cao Bằng ngắm hoa, các bạn có thể đi vào tầm cuối năm khoảng tháng 11, lúc này là mùa hoa Tam Giác Mạch.
Nếu thích ngắm băng tuyết, các bạn nên đi vào mùa đông, thời điểm này ở phía rừng Pia Oắc nhiệt độ hạ thấp nên rất có thể xảy ra hiện tượng này.

Di chuyển bằng phương tiện gì tới Cao Bằng?
Phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy)
Đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn. Hoặc đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 4 đi Lạng Sơn rồi đi theo hướng Đông Khê, Thất Khê để sang Cao Bằng.
Phương tiện công cộng
Nếu không muốn chạy xe máy, từ Hà Nội các bạn có thể đi xe khách giường nằm tới Cao Bằng, xe chạy hàng ngày tại bến xe Mỹ Đình và mất khoảng 8h để lên tới Tp Cao Bằng. Tại đây các bạn có thể thuê xe máy để tiếp tục khám phá Cao Bằng

Những điểm thăm quan hấp dẫn ở Cao Bằng
Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản các tài liệu cách mạng: Lịch sử nước ta, Địa dư Bắc Kỳ, Địa dư Cao Bằng; tài liệu huấn luyện quân sự: Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Nga, Kinh nghiệm du kích Tàu… Đây là điểm thăm quan đặc biệt bạn nên ghế qua trong hành trình khám phá du lịch Cao Bằng.

Suối Lê Nin
Suối Lê-nin nằm trong quần thể di tích lịch sử Pác Bó. Mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, suối Lê-nin dường như không dành được sự quan tâm quá nhiều của các bạn trẻ vốn đang say mê hướng về những địa danh nổi tiếng đậm chất phiêu lưu. Tuy nhiên, dòng suối nguồn như một viên ngọc với một màu xanh rất lạ, vẻ đẹp thiên nhiên trời phú tuyệt đẹp giữa núi rừng Đông Bắc, nơi địa đầu của tổ quốc, sẽ khiến cho dân xê dịch thích sự thanh bình và êm ả.

Núi Các Mác
Tên ngọn núi trước cửa hang được Bác đặt tên theo nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác, cùng với suối Lê Nin, đây là 2 nhà tư tưởng đã có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp hoạt động của Bác.

Thác Bản Giốc
Bản Giốc là một trong những thác nước hùng vỹ và tuyệt đẹp ở Việt Nam. Thác nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm du lịch Cao Bằng nổi tiếng được nhắc đến nhiều nhất. Ngày đêm thác nước ầm ào cuồn cuộn đổ xuống, từ độ cao trên 30m, dòng nước khổng lồ chảy xuống những bậc đá vôi, những mô đá phẳng phía dưới tạo thành những dải lụa trắng xóa, bụi tung mờ ảo trắng cả một vùng.

Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng chỉ cách thác Bản Giốc 3km. Động có chiều dài hơn 2000m và gồm ba cửa chính là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Tên của động được đặt theo tiếng dân tộc Tày, “ngườm” là hang động, “ngao” là hổ, “ngườm ngao” nghĩa là hang hổ. Đây là một trong những địa điểm du lịch Cao Bằng rất nổi tiếng thu hút hàng nghìn lượt tham quan.

Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen nằm ở trên núi với độ cao hàng nghìn mét so với mặt biển, thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Hồ có hình thoi, rộng từ 100m đến 300m, dài từ 500m đến 1.000m. Đây cũng là một trong những địa điểm du lịch Cao Bằng hấp dẫn mà bạn không thể bỏ lỡ.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng trên ngọn núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc được tỉnh xây dựng. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc cũng là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng. Hãy ghé qua đây trong hành trình khám phá du lịch Cao Bằng của bạn nhé.

Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh, đây được gọi là con đèo đẹp nhất trên trục đường QL3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km, thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Để lên được đến đỉnh con đèo này bạn phải đi qua 7 vòng dốc. Đường đèo hẹp, quanh co, đây chắc chắc sẽ là địa điểm du lịch Cao Bằng được yêu thích của các bạn trẻ thích chinh phục thử thách.

Những món ăn đặc sắc tại Cao Bằng
Bánh coóng phù (Bánh trôi)
Coóng phù được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau. Hoàn toàn không có chất tạo màu tạo mùi hóa học.

Bánh cuốn
Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người Hà Nội, Hà Nam chấm bánh vào nước mắm gia giảm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát. Hãy thử món ăn độc đáo này trong chuyến đi khám phá du lịch Cao Bằng của bạn nhé.

Bánh áp chao
Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, được bày bán nhiều trong các quán nhỏ hoặc vỉa hè. Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Người Cao Bằng gọi đó là bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao.

Bánh trứng kiến (Pẻng Rày)
Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Xôi trám Cao Bằng
Lên Cao Bằng, ta sẽ gặp món xôi trám ở khắp nơi, từ nhà hàng sang trọng, tiệc cưới hỏi cho tới những bữa ăn ấm cúng dịp cuối tuần của các gia đình. Không giống như những loại xôi khác, xôi trám có vị thơm dịu dàng của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng. Vị bùi của trám bao lấy những hạt nếp dẻo mọng, ăn hoài không ngấy và đặc biệt không có cảm giác bị nóng cổ dù ăn rất nhiều. Đây cũng là một món ăn mới lạ mà bạn không nên bỏ qua khi trải nghiệm khám phá du lịch Cao Bằng.

Trên đây là một số thông tin và kinh nghiệm khám phá du lịch Cao Bằng mà mình đã tìm hiểu và tổng hợp được. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn trong tương lai. Chúc các bạn có những chuyến đi thật vui vẻ và bổ ích.

 

MUỐN ĐI DU LỊCH HÃY ĐẾN VỚI CÔNG TY DU LỊCH SACO